Trần Phạm Anh Tuấn (35 tuổi, tốt nghiệp Đại học ngành Sinh học), ngụ ở ấp An Bình, phường 3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng vừa lai tạo và cho ra hoa thành công một loài lan hài sau 4 năm tự tay nghiên cứu.
Loài lan hài mà anh Tuấn lai tạo ra có lá màu đốm trắng, dày; đóa hoa có mùi thơm, cuống hoa dài, và cánh hoa có màu đỏ tím, điểm những vân sọc sẫm, xen màu xanh lá non; đặc biệt, lưỡi hoa gọn ghẽ trên đấy rải ra những nốt lấm chấm tím, và mũ hoa to uốn vòng cân đối hai bên…
Anh Tuấn cho biết, đã dùng hai cá thể gốc đều là lan rừng Đà Lạt, trong đó cây lan bố thuộc loài hài Applettonianume, cấy phấn vào nhụy một loại lan hài (cá thể mẹ) khác quí hiếm nhưng rất xa nhau về giống (tức đặc điểm, hình thái sinh học, và tên khoa học đều khác nhau) mà không tiện nêu cụ thể (vì sẽ mất bản quyền tức khắc).



Sau khi trái lan đậu, hạt già li ti được đưa vào trong ống nghiệm kích hoạt cho nẩy cây non, rồi nuôi dưỡng lớn lên môi trường nhân tạo như thế. Nghiên cứu cho ra “môi trường” (tổ hợp dưỡng chất tạo ra) cho hạt nẩy mầm, phát triển thành cây, và đưa ra ngoài thiên nhiên sinh trưởng bình thường là những bước gian nan nhất.
Bên cạnh giống lan hài độc đáo đầu tiên vừa trổ bông thành công, anh Tuấn cho hay bộ giống hài mới mà anh lai tạo ra cùng đợt còn đến 500 giống khác nữa, và sẽ lần lượt trổ bông trong thời gian tới. Chờ 500 giống kia trổ xong, anh Tuấn sẽ lần lượt đặt tên (tên thương mại lẫn tên khoa học - theo nguyên tắc người tạo ra/ hoặc phát hiện ra giống mới được quyền này) cho bộ lan hài của anh, và sẽ lập hồ sơ cho từng giống, rồi đăng ký một lượt ở Cục Bản quyền-Bộ KH&CN.
Được biết, lâu nay các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước hầu như chỉ làm công tác bảo tồn, khảo cứu nhỏ lẻ các giống lan mới nhập nội, chứ chưa từng có cơ quan nào lai tạo ra được giống lan hài mới độc lập (và có giá trị thương mại) với bộ lan hài VN đang có.

(sưu tầm theo tuoitre)